Mỗi khi đi nước ngoài, 70% chiếc vali mà anh Đinh Hữu Thạnh mang về là sách logistics và quản trị.
“Sách là tri thức mà thế hệ đi trước đã tổng kết lại để chúng ta tham khảo, suy nghĩ cách giải quyết khi gặp vấn đề. Khi có kiến thức, bạn sẽ rất tự tin quyết định, tự tin xây dựng ra giải pháp” - CEO của CTCP Giao nhận vận tải Con Ong (Bee Logistics) nói.
Đặc biệt, theo anh Thạnh, giao nhận vận tải là một lĩnh vực “rất cực, không kiếm được tiền một cách nhanh và nhiều”. Để có thể phối hợp từng công đoạn “lắt nhắt” trong ngành logistics thành một sản phẩm dịch vụ, đòi hỏi phải thực sự có kiến thức, kinh nghiệm và tư duy. Bee Logistics nổi lên từ một công ty tí hon thành doanh nghiệp top 6 ngành logistics là nhờ cách xây dựng giải pháp rất giá trị trong bối cảnh “nhiễu nhương” của thị trường những thập kỷ trước.
Đang làm trong doanh nghiệp logistics nước ngoài với triển vọng nghề nghiệp rất tốt, tại sao anh nghĩ đến việc thành lập một công ty riêng “thuần Việt” khi mà khả năng để doanh nghiệp logistics tư nhân Việt có thể cạnh tranh là rất thấp?
Trong quá trình làm việc ở công ty logistics nước ngoài cũng như gặp các đối tác, tôi phải “chiến đấu” với các lãnh đạo ở đây rất nhiều, bởi vì họ không coi trọng người Việt. Vào những năm 2002 - 2003, khi tôi hỏi: “Tại sao các ông không sử dụng dịch vụ logistics của doanh nghiệp Việt?”, họ bèn chê bai đủ thứ.
Thực tế tôi thấy rằng, người Việt rất sáng tạo. Có thể sáng tạo hay làm ra những cái lớn lao thì khó, nhưng ở các công đoạn nhỏ đòi hỏi sự tỉ mỉ thì mình rất giỏi, đặc biệt là những ý tưởng cải tiến, phát triển quy trình mới để phục vụ khách hàng tốt hơn.
Tôi không thích người nước ngoài chê bai người Việt như vậy, tôi nói thẳng: “Khi các ông sang đây kinh doanh, nếu không có những người Việt như chúng tôi, không bao giờ các ông làm được việc!”
Lúc bấy giờ, phần lớn thị trường trong tay các doanh nghiệp quốc doanh và nước ngoài đầu tư đội lốt, rồi Việt Nam cũng rậm rịch gia nhập Tổ chức thương mại quốc tế WTO, doanh nghiệp nước ngoài sẽ chính thức vào rất nhiều. Vậy thì còn sân chơi nào cho doanh nghiệp tư nhân Việt? Tôi suy nghĩ và bàn với một số người bạn, quyết định xây dựng một công ty logistics Việt Nam có dịch vụ thật tốt, đặt tên là Bee Logistics.
Chúng tôi xác định không cạnh tranh với các công ty lớn khi chưa có đủ nguồn lực. Bee sử dụng cơ sở hạ tầng kho bãi, cảng của doanh nghiệp lớn và là người kết nối, đưa ra các giải pháp, tạo ra các giá trị mới để đưa vào trong chuỗi giá trị của các công ty lớn.
Đơn giản vậy thôi và thực tế thì điểm xuất phát của chúng tôi cũng thấp. Vốn ban đầu có 1 tỷ đồng với 6 cổ đông. Chúng tôi chỉ có một quyết tâm làm sao phải đưa ra được những dịch vụ thật tốt.
Thuận lợi của chúng tôi là thị trường khi ấy vẫn chưa phát triển chuyên nghiệp. Đơn vị nào xây dựng được dịch vụ tốt và giữ uy tín thì sẽ có cơ hội thể hiện ngay.
Bên cạnh đó, mặc dù là công ty nhỏ nhưng ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định phải ứng dụng công nghệ thông tin. Chưa có tiền, chúng tôi mua phần mềm nội địa - khi mà các doanh nghiệp công nghệ tư nhân nhỏ của Việt Nam cũng mới manh nha phát triển các phần mềm cho lĩnh vực logistics. Cứ từng bước từng bước như thế, dần dần mọi thứ phát triển lên.
Dịch vụ tốt hơn, tạo ra cơ hội “thể hiện” tốt hơn mà anh vừa nói cụ thể là gì?
Chúng tôi cung cấp toàn bộ các giải pháp logistics, từ đường biển, đường bộ, hàng không cho đến dịch vụ hải quan, các dịch vụ vận chuyển đa phương thức… Một trong những thế mạnh của Bee là có khả năng tìm ra các điểm ở trên thế giới và biết cách kết nối giữa các điểm đó, kết nối giữa các loại hình vận tải để tạo ra giải pháp phù hợp cho khách hàng.
Như thế, thay vì khách hàng mua dịch vụ trực tiếp từ hãng bay hay hãng tàu thì họ mua dịch vụ của Bee để được giá cả hợp lý hơn, đủ đáp ứng nhu cầu của họ về thời gian hay khối lượng hàng.
Đôi khi, với một lô hàng có giá trị lớn, chỉ cần nhanh hay chậm hơn cho khách 2 – 3 ngày là đã có sự khác biệt rồi. Cung cấp dịch vụ logistics chỉ tập trung vào giá cả cũng không hoàn toàn hiệu quả. “Giải pháp phù hợp” - tôi cho rằng đó là cái quan trọng nhất.
Ví dụ vào giai đoạn mà thế giới có hãng tàu phá sản, mình xác định ngay là khách nào cần hàng, hàng nào có giá trị thì phải ưu tiên giải phóng trước. Bee rất chủ động đưa ra giải pháp ngay lập tức: Cắt luôn hàng từ bên Singapore chuyển sang Malaysia, xong nối tàu từ Malaysia đi. Chi phí thậm chí rẻ hơn vì lúc bấy giờ cảng Singapore đang tắc nghẽn.
Hay trong thời gian đại dịch Covid vừa rồi, khi nghe tin Srilanka mở cửa, chúng tôi đánh giá với một đất nước du lịch như Srilanka, khi họ mở cửa thì lượng khách du lịch rất nhiều, tải đi sẽ trống, trong khi tải Việt Nam đang tắc nên chúng tôi thuê máy bay chở hàng từ Việt Nam đi Srilanka, xong từ Srilanka đi các nước.
Nói chung, tư duy của Bee luôn luôn vận động để suy nghĩ làm cách nào kết nối các hệ thống vận tải với nhau, tìm được những cơ hội để tạo ra những giải pháp kết nối có sức cạnh tranh, đáp ứng được nhu cầu.
Vậy sản phẩm đầu tiên của các anh được thực hiện như thế nào?
Đầu tiên chúng tôi làm dịch vụ consol, gom hàng lẻ đường biển. Lúc bấy giờ thị trường đang rất nhiễu loạn, giá cả cũng nhiễu loạn. Thói quen của mọi người là mua giá CIF, bán giá FOB. Đơn vị mua cứ trả giá như thế này nhưng sang nước ngoài họ lại thu kiểu khác, và mỗi khâu lại thu thêm một ít…
Chúng tôi cam kết với khách hàng: Ông trả cước cho tôi bao nhiêu, sang đầu nước ngoài tôi trả bao nhiêu và tổng giá của ông là bao nhiêu. Nếu như bị thu vượt lên, chúng tôi sẽ bỏ tiền ra trả cho ông ngay tại đây.
Bee làm chuyến đầu tiên từ Hồ Chí Minh đi Nhật, từ Hải Phòng đi Mỹ, Hải Phòng – Hồng Kông, Hải Phòng – Singapore, làm rất là chuẩn, từng đoạn từng đoạn mọi thứ rất rõ ràng. Từ việc không kiểm soát được giá, nay được cam kết từ Bee như vậy, khách hàng tìm đến đông. Trong vòng 2-3 năm, uy tín Bee nổi như cồn.
Tại sao một doanh nghiệp do những người đàn ông lập ra lại có cái tên là “Con ong”?
Xuất phát điểm của Bee Logistics rất nhỏ. Thế mạnh lớn nhất chính là tinh thần làm việc chiến binh như những con ong. Chúng tôi cũng mong muốn đội ngũ gắn kết với nhau như một bầy ong, thực sự có đam mê khát vọng để cùng nhau xây dựng doanh nghiệp Việt vươn ra toàn cầu. Đúng vậy, ngay từ đầu, mục tiêu của chúng tôi đã phải là một công ty toàn cầu.
Ở đây, các anh chị em cùng nhau sát cánh với tinh thần là cung cấp dịch vụ tốt hơn, tốt hơn mỗi ngày. Bộ máy của Bee Logistics không có nhiều cá nhân nổi trội nhưng khi ghép vào thành một tập thể thì tôi tự tin nói rằng đó là bộ máy hiệu quả hàng đầu trong các công ty logistics Việt Nam.
Ngay cả slogan “Be expert in logistics” cũng thể hiện mong muốn mỗi một người của Bee logistics là một chuyên gia về tư vấn, cung cấp những giải pháp về logistics mang giá trị gia tăng cho khách chứ không chỉ cung cấp những dịch vụ đơn thuần mà trong điều kiện bình thường ai cũng có thể làm.
Trong 2 năm qua, ngành logistics đối mặt với nhiều biến động, trong đó chi phí logistics tăng gấp nhiều lần, giúp cho kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành này tăng trưởng rất mạnh. Anh đánh giá thế nào về giai đoạn này?
2 năm vừa rồi đối với thị trường logistics là giai đoạn sàng lọc. Khách hàng sẽ sàng lọc các công ty cung cấp dịch vụ. Đơn vị nào có năng lực, thực sự cầu thị, nghĩ ra các giải pháp để phục vụ khách hàng thì phát triển rất tốt bởi vì trong lúc mọi người đang còn băn khoăn thì ăn nhau về tốc độ. Tốc độ của bên nào nhanh thì bên đấy sẽ bắt được cơ hội của thị trường.
Cuối năm 2019, tháng 1/2020 chúng tôi đã lên kịch bản cho Covid rồi nhưng không nghĩ nó lâu đến thế. Và covid đã làm thay đổi toàn bộ về cả tuyến đường vận chuyển, hình thức, quá trình, nó làm đứt gãy chuỗi cung ứng, các phương tiện vận tải tắc nghẽn, nó đòi hỏi mình phải có các quyết định rất nhanh.
Đủ mọi thứ khó khăn, chính lúc đó mình chỉ xác định làm sao tìm ra các giải pháp để khách hàng có thể yên tâm, chia sẻ bớt rủi ro với họ. Khi đó đương nhiên khách này sẽ giới thiệu khách kia.
2 năm nỗ lực như thời chiến, tôi thấy mọi thứ không những tốt mà… tốt đến mức để quay trở lại thời kỳ đấy cũng khá khó. Nó tạo bản lề để rút ngắn quá trình phát triển toàn cầu của Bee, mặc dù về mặt hình thức, nó có thể làm sụt giảm, chậm lại quá trình mở rộng các văn phòng nhưng mặt khác nó lại góp phần nâng cao nội lực, nâng cao sức chống chọi của mình và cái khả năng ứng biến của mình đối với những thay đổi của thị trường.
2 năm ấy, các nhân sự của Bee là những chiến binh được thử thách. Chúng tôi có thể khẳng định vị thế, cách làm, cam kết và uy tín của mình. Khi đã có sự cam kết, có niềm tin ở nhau thì sẽ đồng hành với nhau được rất lâu.
Bee ở thời điểm hiện tại như thế nào?
Bee giờ cũng lọt vào top 6 doanh nghiệp logistics. Thật ra nếu mà tính doanh thu hợp nhất thì tôi đánh giá không chỉ là top 6 mà còn hơn. Quan trọng nhất, hệ thống mỗi ngày được mở rộng, hiện nay ở Việt Nam trên toàn hệ thống có 26 - 27 văn phòng cộng với 15 văn phòng nước ngoài ở 10 nước. Trên toàn hệ thống hơn 800 nhân sự.
Trong quá trình từ một công ty vốn chỉ có 1 tỷ đồng trở thành doanh nghiệp trong top 6 ngành logistics, các anh đã từng có lần nào muốn “buông súng” chưa?
Có một lần vào năm 2017. Đó là khi chúng tôi bị hiểu lầm như những kẻ… buôn lậu.
Tôi là người Hải Dương, đi học ngành ngoại thương ở Hải Phòng và thành lập Bee Logistics tại Tp.Hồ Chí Minh cùng anh chị em sáng lập khác, đơn giản vì những năm 2002 – 2004, đây là nơi có môi trường thuận lợi nhất cho việc kinh doanh.
Tuy nhiên, vì “xuất xứ” như vậy, cũng do sự cạnh tranh không lành mạnh từ đơn vị khác nữa, dư luận mới xuất hiện những thông tin như thể chúng tôi có sự gian dối trong hoạt động kinh doanh và bị đoàn thanh tra, kiểm tra. Nhiều vấn đề mệt mỏi khác nữa xảy ra.
Tôi cũng nản, nhưng thiết nghĩ đã kinh doanh thì phải khó khăn. Và cái khó khăn đó của mình so với nhiều người khác chỉ nhỏ như hạt cát. Có một chân lý là nếu mình không sai thì mình không ngại, không sợ. Chỉ cần làm đúng lương tâm và trách nhiệm.
Nếu buông súng thì hèn. Ước mơ xây dựng một doanh nghiệp vươn ra toàn cầu của chúng tôi quá lớn, nó thúc đẩy chúng tôi lại đứng lên làm. Sau đó nhiều tháng, chiếu theo luật, chúng tôi không gặp vấn đề gì cả nhưng có bị thiệt hại về uy tín, tiền bạc. Mãi sau này, khi đi đấu thầu các hợp đồng ở Mỹ, Bee vẫn còn phải giải trình.
Đặc thù của doanh nghiệp logistics là phải làm việc với chính quyền rất nhiều, người ta nói rằng phải có “ô dù” thì mới phát triển trong lĩnh vực này được?
Đã xác định vươn ra toàn cầu thì tôi nghĩ rằng không ô dù nào có thể đỡ được. Đương nhiên, người làm kinh doanh phải biết thích nghi linh hoạt với môi trường.
Với những nỗ lực của Chính phủ, môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp đã cải cách rất nhiều và nhờ vậy, hiện nay các công ty hoàn toàn có thể sống sạch được. Chúng tôi cũng tự hào là một trong những doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam ở top 1.000. Nghĩa vụ thuế cũng là một trách nhiệm xã hội. Khi mình chưa đóng góp được cho xã hội bằng những hành động cụ thể hay to lớn nào đó thì trước mắt hãy tuân thủ trách nhiệm với Nhà nước đã, vì thông qua Nhà nước, chúng ta sẽ giúp được rất nhiều những người có những hoàn cảnh, điều kiện khó khăn.
Đó là quan điểm của tôi trong việc vận hành công ty.
Với doanh nghiệp Việt nói chung, tất nhiên nếu như mà có một chính sách phù hợp để tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển thì khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt rất tốt. Theo quan sát của tôi, điều mà doanh nghiệp Việt thường thiếu là hoài bão lớn, sự quyết tâm cũng như một tầm nhìn về mặt dài hạn.
Ngành logistics là một ngành dịch vụ. Đã là ngành dịch vụ thì nó đòi hỏi việc đầu tư lâu dài và gây dựng các động lực, rất mất thời gian. Nếu thiếu tầm nhìn dài hạn thì doanh nghiệp sẽ thiếu đầu tư từ con người, công nghệ cho đến các điều kiện khác để có thể phát triển.
Mục tiêu của anh đến 2025 sẽ là gì?
Thứ nhất, chúng tôi phải hoàn thành mục tiêu mở văn phòng ở 15 nước. Thứ hai là hệ thống mạng lưới phải kết nối và tăng tính hiệu quả. Nguồn lực của Bee so với các doanh nghiệp trong ngành hiện giờ có thể nói là tối ưu nhưng tự bản thân tôi nhìn thấy nó còn rất nhiều điểm chưa tối ưu ở trong hệ thống. Từ giờ đến 2025, tôi phải giải quyết những điều đó.
Tôi hy vọng đến năm 2025, doanh thu của Bee đạt tối thiểu 700 triệu USD, khoảng 17 nghìn tỷ, gấp 1,6 lần so với năm 2021. Đến năm 2027, doanh thu có thể là 20.000 tỷ đồng. Khá nặng đấy nhưng cứ cố gắng thôi. Lúc bấy giờ có thể cơ bản hoàn thành bước 1 của quá trình “toàn cầu”.
Các doanh nghiệp khi đạt một quy mô nhất định thường thích đầu tư ngoài ngành, ví dụ như bất động sản. Quan điểm của anh thì sao?
Quan điểm của tôi là làm gì phải làm tập trung. Khi phát triển lên, chúng tôi vẫn sẽ đầu tư những gì liên quan đến logistics, tức là trong phạm vi lĩnh vực mình có kiến thức, có hiểu biết, có khả năng quản trị.
Hơn nữa mục tiêu của tôi là xây dựng doanh nghiệp logistics Việt Nam vươn ra toàn cầu. Tôi không tham gia vào những việc mà tôi nghĩ sẽ không tạo ra được giá trị cho xã hội.
Mới đây có cơ hội kinh doanh ở nước ngoài có thể khiến Bee nổi tiếng luôn và kiếm được tiền để sống nhiều đời luôn. Nhưng chúng tôi không làm, vì mặc dù không vi phạm pháp luật nhưng nó không đúng với triết lý kinh doanh của chúng tôi, đó là tạo ra một doanh nghiệp minh bạch, có đạo đức, phục vụ khách hàng bằng những giải pháp có giá trị.
Tiền nhiều hay ít không quan trọng, quan trọng là mình cảm thấy vui vẻ hạnh phúc, thanh thản. Triết lý của tôi đơn giản vậy thôi.
Cảm ơn anh về những chia sẻ này!
Bài: Huyền Trang - Châu Cao
Thiết kế: Hải An